Công ty thủy điện Đại Ninh triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo vận hành an toàn trạm phân phối điện 220/110 kV nhà máy thủy điện Đại Ninh

04 Tháng Mười Một 2024 7:54 SA

     Trạm phân phối điện nhà máy thủy điện Đại Ninh gồm có hai sân trạm 220 kV và 110 kV. Các sân trạm này liên hệ với nhau qua hai máy biến áp liên lạc AT3 (63MVA), AT4 (125 MVA). Trạm phân phối 220kV gồm có hai thanh cái C21, C22 và một thanh cái vòng C29 được chia thành 07 ngăn lộ: 231, 232, 233, 234, 200, 271, 272. Trạm phân phối 110 kV gồm có hai thanh cái C11, C12 và được chia thành 06 ngăn lộ: 171, 172, 173, 133, 134, 112.

     Trạm phân phối điện được đưa vào vận hành từ năm 2007. Đến nay, đã qua 17 năm hoạt động nên các thiết bị điện trong trạm dễ phát sinh các tồn tại, khiếm khuyết có thể dẫn đến nguy cơ gây sự cố, làm gián đoạn công tác vận hành sản xuất điện của các tổ máy thủy điện Đại Ninh và Bắc Bình. Đặc biệt, vào khoảng giữa năm 2019, các dự án điện mặt trời được đưa vào hoạt động thì các thiết bị điện trong trạm thường xuyên truyền tải công suất ở mức cao (xấp xỉ định mức của đường dây), dẫn đến các thiết bị điện trong trạm bị quá tải gây quá nhiệt (Công ty phải thường xuyên sử dụng camera đo nhiệt để xác định nhiệt độ cho tất cả các mối nối của thiết bị tại trạm). Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của lưới điện, Công ty đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm trạm phân phối điện vận hành an toàn, ổn định và liên tục.

      Các giải pháp thực hiện như sau:

     1. Lắp kẹp dây dẫn song song để tăng cường khả năng dẫn dòng cho các thiết bị điện trong trạm như: Dao cách ly, máy cắt, máy biến dòng điện, cuộn bẫy sóng…

 

Lắp kẹp dây dẫn song song để tăng cường khả năng dẫn dòng cho các thiết bị trạm

     2. Lắp kẹp dây dẫn song song cho thiết bị thanh cái, và phần trên cao nối vào máy biến áp, chống sét… nhằm tăng cường khả năng dẫn dòng cũng như đảm bảo dây dẫn không bị tuột do quá nhiệt và mỏi cơ khí.

 

Lắp kẹp dây dẫn song song phần dây dẫn trên cao để chống tuột dây dẫn

     3. Gia công chế tạo đầu cosse và thực hiện lắp dây dẫn mềm song song với cọc cực dao cách ly để giảm nhiệt độ mối nối tại cọc cực của dao cách ly.

 

Lắp dây dẫn mềm để tăng cường khả năng dẫn dòng cho các cọc cực của dao cách ly

     4. Thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ thiết bị trạm theo quy định: Để bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện liên tục, công tác bảo dưỡng thí nghiệm định kỳ các thiết bị điện như: máy biến áp, máy biến dòng điện, máy biến điện áp, máy cắt, dao cách ly, chống sét… cũng được triển khai và quan tâm để có giải pháp xử lý kịp thời những tồn tại khiếm khuyết thiết bị trong quá trình thí nghiệm. Công ty cũng lập phương án cụ thể, đưa ra những tình huống sự cố giả định có thể xảy ra và giải pháp khắc phục cũng như tổ chức diễn tập, ứng phó với một số tình huống sự cố giả định.

 

Một công đoạn của bảo dưỡng, thí nghiệm định kỳ thiết bị: Siết tiếp xúc các đầu dây nhị thứ đảm bảo không bị hở mạch TI, điều khiển và bảo vệ

     5. Kiểm tra, vệ sinh cách điện thiết bị và thanh cái: Ra dây kiểm tra, vệ sinh sứ cách điện và phụ kiện, kiểm tra cột và dây chống sét, thay cách điện bị bể là một việc làm cần thiết nhằm ngăn ngừa sự cố do sét đặc biệt ngăn ngừa sự cố với những cơn mưa đầu mùa có dòng sét lớn. Hiện nay, áp lực truyền tải công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo, cung cấp điện cho các phụ tải ngày càng cao, nên thời gian cắt điện không được nhiều và thường phải xin cắt điện làm ban đêm, cùng điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa từ buổi chiều và tối, nắng nóng vào buổi trưa nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, đòi hỏi công tác bảo dưỡng và giám sát phải hết sức cẩn thận và chặt chẽ để đảm bảo an toàn lao động. Với sự chuẩn bị kỹ càng, lập phương án thi công, chuẩn bị đầy đủ về vật tư, phương tiện, dụng cụ và nhân lực cho công tác bảo dưỡng sửa chữa; Công ty đã hoàn thành khối lượng công việc theo kế hoạch đề ra, đảm bảo an toàn và yêu cầu chất lượng kỹ thuật.

 

Kiểm tra, vệ sinh chuỗi sứ cách điện thực hiện vào ban đêm

     6. Có giải pháp đuổi chim làm tổ hiệu quả trên các các thiết bị điện tại trạm: Hiện tượng chim tha rác về làm tổ trên thiết bị điện ở các trạm biến áp rất phổ biến hiện nay, tại trạm phân phối 220/110kV nhà máy thủy điện Đại Ninh cũng không nằm ngoại lệ. Việc chim mang theo rơm rác, các sợi dây nhỏ về làm tổ trên cả phần giá đỡ và phần dẫn điện của thiết bị điện như: máy cắt, máy biến dòng điện, máy biến điện áp, dao cách ly... Đặc biệt là chim làm tổ trên tiếp điểm chính của dao cách ly sẽ rất nguy hiểm khi đóng/cắt dao cách ly (gây cháy nổ hoặc tiếp xúc xấu tại tiếp điểm chính của dao cách ly…). Do đó, việc tìm ra giải pháp xua đuổi chim hiệu quả, góp phần mang lại vận hành an toàn, liên tục cho lưới điện tại trạm phân phối điện của nhà máy là cần thiết.

     Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm ra các giải pháp mới nhằm đảm bảo các thiết bị điện tại trạm phân phối nhà máy thủy điện Đại Ninh vận hành an toàn, ổn định. Tiếp tục áp dụng phương pháp bảo dưỡng, sửa chữa theo tình trạng thiết bị và tập trung theo độ tin cậy của thiết bị (CBM, RCM). Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong việc kiểm tra, giám sát thiết bị nhằm kịp thời phát hiện các tồn tại, khiếm khuyết để chủ động xử lý sớm, hạn chế tối đa sự cố chủ quan, phấn đấu hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ Tổng công ty Phát điện 1 giao phó./.

Trương Phan Văn Trung - PXSC


Tin liên quan