Phát huy tinh thần trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)

09 Tháng Mười Hai 2020 8:21 SA

         Chi bộ Công ty Thủy điện Đại Ninh là tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp Nhà nước, có chức năng lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quản lý, vận hành, sửa chữa các tổ máy phát điện; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CBCNV; thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước; xây dựng Chi bộ, các tổ chức đoàn thể vững mạnh và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Tổng công ty Phát điện 1 giao. Hiện nay, Chi bộ có 25 đảng viên. Ngay từ khi thành lập Công ty Thủy điện Đại Ninh (10/2007), Chi bộ luôn quan tâm lãnh đạo kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, xây dựng các quy chế quản lý nội bộ, phân công nhiệm vụ trong cấp ủy, Ban Giám đốc, gắn trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên với từng nhiệm vụ, chức năng của Phòng, Phân xưởng.

         Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Chi ủy đã phổ biến, quán triệt cho các cán bộ đảng viên trong Chi bộ, hướng dẫn Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong việc học tập, nắm bắt mục đích, yêu cầu, nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4.

         Xuất phát từ nội dung chỉ đạo của Chỉ thị 05-CT/TW  là Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể và căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, Công ty đã triển khai cho tất cả các đảng viên, cán bộ từ cấp Tổ trưởng sản xuất trở lên viết bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hàng năm và yêu cầu kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện vào cuối năm; định kỳ hàng quý, các Phòng, Phân xưởng, tổ sản xuất đều có bản đăng ký thực hiện các chủ đề liên quan đến Văn hóa Công ty và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (theo chuyên đề của từng năm), cuối mỗi quý đều có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện gửi về Chi bộ theo quy định. Đây là công cụ quản lý quan trọng để các phòng, phân xưởng và tổ sản xuất thường xuyên duy trì nhằm không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác trong từng đơn vị, đồng thời đưa văn hóa Công ty, quy tắc ứng xử trở thành thói quen, thấm nhuần trong từng hành động của cán bộ, công nhân viên.

          Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, cần thiết phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, đổi mới phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách sống và ứng xử của từng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp và theo Chỉ thị 05-CT/TW cần phải “đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu. Qua nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và từ thực tiễn, có thể trao đổi một số nội dung chính yếu như sau:

          Một là, Về Đoàn kết xây dựng Đảng: từ khi sinh thời, trên cương vị là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là củng cố và giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người nhấn mạnh “Đoàn kết là sức mạnh nhất của ta”, là then chốt của thành công, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người đặc biệt căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Trong tư tưởng của Người, đoàn kết phải là đoàn kết thống nhất, trước sau như một, tức là phải dựa trên nền tảng đường lối, quan điểm của Đảng và vì lợi ích tập thể. Người đã rút ra: Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội chính là căn nguyên của mất đoàn kết thống nhất trong Đảng.

          Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, trước những tác động của kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên có xu hướng chạy theo chủ nghĩa cá nhân; một số tổ chức Đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, chưa tôn trọng và thực hiện chưa đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Bên cạnh đó, những biểu hiện “lợi ích nhóm”, cục bộ địa phương có nơi đã xuất hiện và ảnh hưởng đến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Do vậy, những năm gần đây, Đảng ta càng chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc giữ gìn đoàn kết thống nhất trong tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, kích động chia rẽ nội bộ, làm cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây mất đoàn kết trong Đảng. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần thực hiện nghiêm lời căn dặn của Bác trong Di chúc: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

          Hai là, Học tập ở Bác về phong cách tư duy khoa học, độc lập, sáng tạo: luôn gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn; phải nắm vững lý luận, những quy luật khách quan và vận dụng sáng tạo các quy luật, chủ trương, chính sách vào thực tiễn tại đơn vị, phù hợp với lĩnh vực hoạt động. Đó là phong cách tư duy không tiếp thu một cách thụ động, không dừng lại ở sự vật, hiện tượng bề ngoài mà phải am hiểu thực tiễn một cách cặn kẽ, đi sâu vào phân tích, so sánh, lựa chọn, tổng hợp để đi đến những kết luận mới đảm bảo vừa kế thừa, vừa phát triển. Tư duy sáng tạo của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc di huấn của các bậc Thầy của cách mạng vô sản, không hề coi lý luận của C. Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm, mà phải tự mình phát triển hơn, vì lý luận này chỉ đề ra nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy thì xét riêng từng nơi. Đó chính là quan điểm thực tiễn, cơ sở của sự sáng tạo. Tuy nhiên, sự sáng tạo phải trên nền tảng tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu lên đầu tiên để nhận diện biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng viên; đó là sự hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

        Ba là, Học tập ở Bác về phong cách làm việc: phong cách của Hồ Chí Minh bắt đầu từ phong cách tư duy đến phong cách thực tiễn (gồm phong cách làm việc, diễn đạt, ứng xử và phong cách sống). Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý đặc biệt là người đứng đầu cần quan tâm học tập ở Bác về phong cách lãnh đạo.

       Phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh được thể hiện trước hết ở việc tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Người đã tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định. Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật,... Người đều dựa vào đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được cân nhắc, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung. Do đó, cần tránh lối làm việc chủ quan, áp đặt, thậm chí độc đoán, chuyên quyền có thể dẫn đến những quyết định không phù hợp. Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện trong phong cách lãnh đạo là “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”.

       Phong cách nêu gương là một trong những phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Hồ Chí Minh cho rằng “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người quan niệm lãnh đạo là dẫn đường và luôn nhắc rằng: đảng viên đi trước, làng nước theo sau, coi đó là trách nhiệm và cũng là lời khen chân thành của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên. Do vậy, ngoài việc Đảng lãnh đạo bằng các chủ trương, đường lối, nêu cao kỷ luật, Đảng còn phải lãnh đạo bằng sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy.

        Hồ Chí Minh làm việc gì cũng có chương trình, kế hoạch từ lớn đến nhỏ. Từ thực tế và kinh nghiệm của mình, Người dạy: trong việc lập kế hoạch không nên tham lam, phải thiết thực, vừa sức, từ thấp đến cao. Mỗi cán bộ đảng, đảng viên cần học tập phong cách làm việc khoa học, đổi mới của Bác để làm việc đạt kết quả cao nhất; tự mình phải chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện công việc, nhưng phải tuân thủ pháp luật, quy chế, quy trình. Trong việc triển khai kế hoạch công việc cần chú ý kiểm tra, giám sát để kịp thời điều chỉnh nội dung, giải pháp, tiến độ cho phù hợp; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.

       Một nét nhân cách nổi bật trong giao tiếp, ứng xử của Hồ Chí Minh là sự khiêm tốn, chân thành, sự thân thiện, thực lòng với mọi người, không một chút gợn nào cho sự sùng bái cá nhân; xóa đi những nghi thức trịnh trọng không cần thiết, tạo ra không khí chan hòa, gần gũi giữa lãnh tụ với quần chúng. Ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng hậu với lý trí sáng suốt nên linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm chước cái nhỏ. Về phong cách sống: Hồ Chí Minh có một phong cách sống rất mực giản dị, thanh cao, cần, kiệm, liêm, chính, hài hòa và tôn trọng quy luật tự nhiên. Trong xu thế hội nhập quốc tế và nền kinh tế thị trường thì phong cách ứng xử chân tình, nồng hậu; chủ động, biến hóa; liêm, chính là những đức tính nổi bật của Hồ Chí Minh mà mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập, noi theo.

       Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp là yêu cầu, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, để vận dụng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước vì một đất nước Việt Nam giàu đẹp, độc lập, tự do; nhân dân Việt Nam được ấm no, hạnh phúc./.

 

(Tin bài : Lê Văn Thanh)


Tin liên quan